Đưa quạt Chàng Sơn vươn xa
Xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm quạt truyền thống. Ngày nay, chiếc quạt giấy không còn là vật dụng thiết yếu nhưng người Chàng Sơn vẫn nỗ lực cải thiện hình thức, chất lượng nhằm bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Na
Nét đẹp “thổi hồn” cho quạt giấy
Về thăm làng nghề làm quạt truyền thống xã Chàng Sơn, len lỏi vào từng con ngõ nhỏ, dễ dàng thấy những chồng quạt, bó tre tươi được phơi thành hàng. Màu sắc, âm thanh, đường nét của một làng nghề hiện ra rõ rệt, tươi vui.
Theo các nghệ nhân làm quạt trong làng, lịch sử phát triển của làng nghề đã có từ vài trăm năm nay. Chiếc quạt giấy Chàng Sơn được biết đến gắn liền với câu chuyện “Hội đồng tiên quạt”, vì lương duyên nên kết quạt giải tâm phiền. Theo sử sách ghi chép có thời kỳ quạt Chàng Sơn nổi tiếng với nhiều mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, được đưa sang Paris (Pháp) triển lãm.
Theo thời gian, quạt Chàng Sơn chứa đựng giá trị thẩm mĩ, bề dày lịch sử, triết lý đời sống và nét đẹp văn hóa của cả dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hiền, người gắn bó vài chục năm với nghề làm quạt cho biết: Để làm ra một chiếc quạt phải trải qua rất nhiều công đoạn, tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, sự khéo léo của người thợ.
Đầu tiên chọn tre phải thẳng, ít mắt, người chọn tre phải có mắt tinh nghề. Tre được chọn phải là tre già, bởi đây là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Công đoạn tiếp theo là cưa tre ra thành từng đoạn; tùy theo cỡ quạt, loại nan mà tre được cưa dài, ngắn khác nhau, sau đó đem ngâm chừng 4 - 5 tháng.
Sau khi ngâm, tre được đem chẻ nan, tùy loại nan, kích cỡ quạt mà tre được chẻ to, nhỏ, dày, mỏng. Tiếp đó đến các công đoạn xâu nan quạt, tán cố định nan quạt, cắt gọt chuôi nan, nhuộm, cắt vải, phơi và đóng gói thành phẩm.
Tiếp nối niềm tự hào nghề truyền thống của cha ông, chị Dương Thị Nhung (xóm Giáo, xã Chàng Sơn) quyết tâm bám trụ lấy nghề, gìn giữ và phát triển bản sắc của làng nghề truyền thống.
“Nghề làm quạt đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Người thợ phải bỏ ra nhiều công sức để chọn từng ống tre làm nan quạt, từng mảnh vải để làm cánh quạt, tạo ra được những chiếc quạt ưng ý trao đến tay người tiêu dùng. Từng khâu sản xuất ra chiếc quạt, khâu nào cũng đều quan trọng.
Khâu vót nan cẩn thận, tỉ mỉ sẽ giúp nan nhẵn, mịn; chữ in ấn trên quạt cũng sắc nét, rõ ràng hơn nếu người thợ làm một cách trau chuốt và cẩn thận, bất kỳ một khâu nào đó mà người thợ làm ẩu sẽ tạo ra chiếc quạt không được như ý muốn”, chị Nhung bộc bạch.
Dù đã có thời điểm quạt Chàng Sơn tưởng như không còn tồn tại, nhưng với niềm đam mê, yêu nghề, những người phụ nữ đảm đang, khéo léo như bà Hiền, chị Nhung và còn rất nhiều nghệ nhân khác đã vực dậy và gìn giữ làng nghề cổ xưa Chàng Sơn, phát triển rộng rãi đi khắp bốn phương.
Việc gìn giữ và phát triển nghề làm quạt của người dân nơi đây đã khẳng định sức sống của làng nghề truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa quê hương Việt Nam.
Hướng đi riêng trong thời hội nhập
Trải qua hơn 200 năm tồn tại và phát triển, nghề làm quạt Chàng Sơn lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làm quạt nơi đây vẫn gìn giữ phát triển, thổi hồn vào từng sản phẩm. Các thế hệ nối tiếp nhau duy trì nghề của cha ông để lại, gắn bó và say mê với nghề. Sự nối tiếp ấy là mạch nguồn trong trẻo nhất để sản phẩm quạt Chàng Sơn luôn chiếm một vị trí trong lòng người Việt.
Quạt Chàng Sơn ngày nay đa dạng từ những chiếc quạt trơn đến những chiếc quạt ảnh, quạt thư pháp, quạt biểu diễn với kiểu cách, điệu đà có đường diềm. Mỗi chiếc quạt không chỉ thể hiện đôi bàn tay khéo léo, sự tinh tế, sáng tạo của người thợ, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam qua từng sản phẩm, mang tầm hồn Việt.
Những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam luôn được lưu giữ trong từng sản phẩm, mang tầm hồn Việt. |
Khác với nghề truyền thống, quạt Chàng Sơn ngày nay được sản xuất trên các dây chuyền hiện đại. Ngày trước, tất cả các khâu đều làm bằng tay, cuộc sống phát triển, sức lao động được giảm bớt nhờ có máy móc hỗ trợ một số khâu như cưa tre, xâu nan, in tranh hoặc chữ thư pháp… nên việc làm quạt nhanh, đỡ vất vả hơn.
Tư duy của người dân làng nghề cũng thay đổi, thích ứng với cuộc sống. Thời bao cấp, nghệ nhân Chàng Sơn từng sử dụng tơ tằm để dệt nên những chiếc quạt vải, quạt lụa. Song do nhu cầu của khách hàng và sự chênh lệch về giá cả nên ngày nay, nguyên liệu làm quạt có nhiều thay đổi.
Những chiếc quạt giấy người thợ Chàng Sơn làm ra có giá khoảng 5.000 đồng/chiếc, quạt biểu diễn kiểu cách, điệu đà có đường diềm cầu kỳ giá khoảng 20.000 đồng/chiếc.
Chị Dương Thị Nhung cho biết: “Quạt ở làng được sản xuất theo dây chuyền, cả làng gộp thành một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, từ làm nan quạt đến cắt dán nghệ thuật, đóng gói… mỗi người phụ trách một công đoạn, có nhiều nhà chỉ nhận gia công một vài công đoạn, cách làm đó đảm bảo nhanh và chuyên nghiệp hơn”.
Theo dòng thời gian, nghề làm quạt không dừng lại mà tiếp tục phát triển vươn xa hơn ra thị trường thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, trở thành niềm tự hào cho người Việt… Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi với đôi bàn tay khéo léo cùng sự đam mê đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm quạt độc đáo, có những chiếc quạt để trang trí, quạt thư pháp để trưng bày.
Đặc biệt trong những năm gần đây, làng nghề quạt truyền thống Chàng Sơn cũng đã chú trọng việc phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm. Đến với làng nghề, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những chiếc quạt nghệ thuật được làm từ nguyên liệu mộc mạc, gần gũi như nan tre hay những mảnh vải lụa mà còn có thể trải nghiệm du lịch về văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Hàng năm, người dân Chàng Sơn vẫn đón những du khách gần xa, trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Hoạt động này không những giúp hình ảnh làng nghề truyền thống thêm lan tỏa trong nước mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế”.
Không chỉ riêng những nghệ nhân ý thức gìn giữ nghề truyền thống, thời gian qua, chính quyền huyện Thạch Thất đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường tới các làng nghề, các tuyến liên xã, liên huyện... nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch huyện, tạo đà cho du lịch làng nghề phát triển.